Thứ Ba, 30 tháng 11, 2021

HÃY LÀM VIỆC BÁC ÁI ( Thứ Tư tuần I mùa Vọng)

 




Trong mấy tháng vì dịch Covid-19 vừa qua, có một phụ nữ trẻ, giàu có giải bày tâm sự:

Tuy phải giãn cách ở nhà nhưng bất cứ thứ gì tôi muốn thì chồng tôi đều đặt mua online cho. Tôi có đủ mọi thứ, nhưng trong lòng vẫn buồn bã và trống trải vô cùng. Sau khi thành phố hết giãn cách, vì vẫn sợ lây nhiễm nên tôi vẫn quanh quẩn ở nhà. Khi nghe tin cô bạn hàng xóm có chồng và mẹ qua đời vì dịch covid-19 đã làm tôi hoảng sợ thêm. Nhưng vì nghĩa tình hàng xóm tôi sang nhà hỏi thăm với trang bị đủ mọi thứ: hai ba lớp khẩu trang, tấm chắn giọt bắn, nước khử khuẩn…

Nhưng khi tiếp xúc, tôi rất đỗi ngạc nhiên vì vẫn thấy cô hàng xóm tươi cười vui vẻ thân thiện, tôi đã lân la hỏi chuyện và được cô kể rằng: chồng tôi đã chết cách đây 2 tháng, mẹ chồng tôi cũng chết, hai con còn bị kẹt dưới quê ngoại chưa lên kịp, ở nhà một mình trong cô đơn tuyệt vọng. Tôi cảm thấy mất tất cả, tôi không ngủ được, tôi không muốn ăn uống, tôi không bao giờ cười. Một hôm tôi đi nhận hài cốt của chồng, đi ngang qua dãy nhà trọ xóm dưới thấy nhiều công nhân đang ngồi húp tô mì gói của những nhà hảo tâm cho, cảnh tượng rất ảm đạm. Nhưng khi thấy tôi các em vẫn chào và cười làm lòng tôi ấm lại biết bao. Lần đầu tiên sau nhiều ngày tôi mới nở lại nụ cười để xã giao thôi.

Về lại nhà mình, tôi đã suy nghĩ phải tìm cách giúp cho các em công nhân còn kẹt lại có bữa ăn qua ngày. Thế là hôm sau, tôi nấu cơm cho khoảng 20 em công nhân - mỗi ngày được một bữa với khả năng hạn hẹp của mình. Mỗi ngày tôi cố làm vài việc gì đó cho những người tôi gặp được vui vẻ. Và quả thực tôi đã thấy hạnh phúc. Tôi nghiệm ra được điều này là ta sẽ không hạnh phúc khi ta chỉ chờ người khác đem lại hạnh phúc cho mình; ngược lại ta sẽ hạnh phúc thật khi ta làm cho người khác hạnh phúc”.

Nghe đến đó, người thiếu phụ giàu kia bật khóc. Cô đã có bất cứ thứ gì đồng tiền có thể mua được nhưng cô đã đánh mất những thứ mà đồng tiền không mua nổi. Và cô quyết định noi gương cô hàng xóm lan tỏa việc làm bác ái đến nhiều người hơn nữa.

 


Câu chuyện thật cảm động trên làm cho chúng ta đáng suy nghĩ!

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót như Đức Giêsu. Cần có một tình thương bao la.

 “Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng”.( Mt 15, 29-37)

Những người ốm đau đã tìm lại được sự bình an, hạnh phúc khi gặp được Chúa Giêsu. Chúng ta hãy học hỏi nơi Chúa hãy có khuôn mặt vui tươi, làm việc bác ái trong tình thương. Từ những hình ảnh sống động nơi các hành vi từ cử chỉ, ánh mắt đến nụ cười của mình được lan truyền và được thấm đượm vị mặn Giêsu, để những ai gặp được chúng ta, họ như gặp được nguồn bình an, sự cảm thông, lòng thương xót và được hạnh phúc.

 Hình ảnh trong câu chuyện trên đã diễn tả cho chúng ta thấy rõ.



Phúc Âm: Mt 15, 29-37

“Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần biển Galilêa, và Người lên ngồi trên núi; dân chúng lũ lượt đến cùng Người, đem theo kẻ câm, mù, què, liệt và nhiều người khác, và đặt họ dưới chân Người. Người đã chữa lành họ. Dân chúng kinh ngạc nhìn thấy kẻ câm nói được, người què bước đi, người đui lại thấy, và họ tôn vinh Thiên Chúa Israel.

Còn Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ mà phán: “Ta thương xót đoàn lũ này, vì đã ba ngày, họ ở lại với Ta, nhưng không có gì ăn. Ta không muốn cho họ về bụng đói, sợ họ té xỉu dọc đàng”. Các môn đệ thưa Người: “Chúng con lấy đâu đủ bánh trong hoang địa này mà cho ngần ấy dân chúng ăn no?” Chúa Giêsu nói với họ: “Các con có bao nhiêu chiếc bánh?” Họ thưa: “Có bảy chiếc, và ít con cá nhỏ”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất. Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các môn đệ đem cho dân chúng. Tất cả đều ăn no, và mảnh vụn còn lại người ta thu lượm được bảy thúng đầy. Số người đã ăn lên tới bốn ngàn, không kẻ đàn bà con nít. Sau khi giải tán dân chúng, Người bước lên thuyền và đến địa phận Magađan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét