Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

ĐỪNG NHÌN QUÁ KHỨ (Thứ Sáu Tuần 5 mùa chay)

 



Trong một bài viết của mình, linh mục Nnamdi Moneme kể về một kinh nghiệm bản thân thật đáng nhớ:
Một người đàn ông đau khổ vì vỡ nợ, đến xin linh mục Nnamdi một số tiền để lấy bằng lái xe hầu có thể đăng ký xin làm tài xế xe buýt. Cha Nnamdi rất ngần ngừ khi biết người đàn ông đó vừa ra khỏi nhà tù thành phố vài ngày trước đó; cha suy nghĩ: “Làm thế nào tôi có thể tin tưởng một người đã ở trong tù nhiều năm? Nhưng tôi cũng đã rất miễn cưỡng đưa cho anh ta số tiền mà anh ta cần…”
Vài tháng sau, người đàn ông quay lại với chiếc xe buýt, và cho vị linh mục xem biên lai nộp tiền để lấy bằng lái xe. Cha Nnamdi thuật lại: “Anh ấy quay lại chỉ để cảm ơn tôi và nói với tôi rằng: bây giờ anh đã có thu nhập ổn định và cũng đã đoàn tụ với gia đình. Anh và gia đình anh cũng đã trải qua một sự đổi mới trong đức tin Công giáo và trong mối quan hệ của họ với nhau.”
Linh mục Nnamdi thú nhận: “Tôi cảm thấy xấu hổ về bản thân vì đã từng là nô lệ của quá khứ, đã tập trung vào cuộc sống quá khứ của anh ta như một tù nhân nên hầu như đã muốn từ chối, không muốn rộng lượng với anh ta vì cảm thấy anh ta không phải là người đáng tin cậy.”
Linh mục này kết luận: “Chẳng phải chúng ta cũng có xu hướng trở thành tù nhân của quá khứ khi chúng ta chỉ tập trung vào quá khứ của mình và của người khác? Chúng ta dường như không thể thoát ra khỏi những suy nghĩ dai dẳng về sự hối tiếc, phán xét, tự thương hại và lên án từ quá khứ của chúng ta và quá khứ của người khác.”
Với những suy nghĩ này, linh mục Nnamdi đã viết bài: “Hãy để Chúa Giêsu giải thoát ta khỏi bị nô lệ cho quá khứ”.
Nguồn: TGP SG


Trong cuộc sống chúng ta cũng vậy, đôi khi chúng ta sợ sệt khi phải đối diện với người có bộ dạng bặm trợn cần chúng ta giúp đỡ, thường thì chúng ta thờ ơ xua đuổi.
Qua câu chuyện trên, hãy học hỏi vị linh mục: cứ rộng lượng giúp đỡ họ dù là miễn cưỡng. Mong sao họ luôn bình an.
Chuẩn bị bước vào Tuần Thánh, chúng ta luôn thấu hiểu cái chết của Chúa tỏ lộ sự công bình và quan trọng hơn là lòng thương xót hải hà của Chúa. Lòng thương xót đó xóa hết mọi quá khứ tội tỗi của chúng ta, giải thoát ta và tha nhân khỏi con người cũ, biến ta và tha nhân thành con người mới tốt đẹp và đầy hân hoan trong Chúa Giêsu phục sinh.



PHÚC ÂM: Ga 10, 31-42

“Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người Do-thái lượm đá để ném Chúa Giêsu. Người lên tiếng hỏi rằng: “Ta đã cho các ngươi thấy nhiều việc tốt lành bởi Cha Ta. Vậy vì việc nào mà các ngươi muốn ném đá Ta?”

Người Do-thái trả lời: “Chúng tôi muốn ném đá ông không phải vì việc lành, nhưng vì một lời lộng ngôn, bởi vì ông chỉ là người mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu đáp lại: “Nào trong sách luật của các ngươi không có chép câu này: “Ta đã nói: các ngươi là thần”? Vậy nếu sách luật gọi những kẻ được nghe lời Chúa là thần, mà Kinh Thánh không thể huỷ diệt được, thì tại sao các ngươi nói với Ðấng đã được Chúa Cha thánh hoá và sai đến trong trần gian rằng “Ông nói lộng ngôn”, vì Ta đã nói Ta là Con Thiên Chúa? Nếu Ta không làm những việc của Cha Ta, thì các ngươi đừng tin Ta. Nhưng nếu Ta làm những việc đó, thì dầu các ngươi không muốn tin Ta, cũng hãy tin vào các việc đó, để các ngươi biết và tin rằng: Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”.

Bởi đó họ tìm cách bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ. Người lại qua bên kia sông Giođan, nơi trước kia Gioan đã làm phép rửa. Và Người ở lại đó. Có nhiều kẻ đến cùng Người. Họ nói: “Gioan đã không làm một phép lạ nào. Nhưng mọi điều Gioan nói về người này đều đúng cả”. Và có nhiều kẻ tin Người.




Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

HAY CHÊ BAI NGƯỜI KHÁC (Thứ Sáu tuần 4 mùa Chay)



Trong buổi dạ hội, ai cũng khen bà ta, nào là có bộ váy rất đẹp, rất hợp với dáng vóc, trang sức đẹp, mái tóc rất hợp thời trang… Nữ doanh nhân được thể vênh váo, tự phụ, bà ta lên giọng thuyết giảng cho mọi người về gu thẩm mỹ, về khiếu thời trang, phải thế này mới đúng, thế kia là sai. Mọi người vì lịch sự nên dù khó chịu vẫn tươi cười đứng nghe nhưng rồi được thể bà ta bắt đầu chê bai cái áo của người này xấu, cái màu túi của người kia không hợp... khiến cho một số người cảm thấy mất mặt.

 Đúng lúc đó, người biểu diễn dương cầm đến, tất cả mọi người đều hướng về người nghệ sỹ cùng cây đàn và vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Người nghệ sỹ chơi đàn say sưa, những bản nhạc được vang lên khắp khán phòng, ai cũng như đắm mình vào không gian âm nhạc. Duy chỉ có nữ doanh nhân kia là mặt mày khó đăm đăm cứ đứng nhìn người nghệ sỹ chơi đàn tỏ vẻ khó chịu.

 Khi những bản nhạc kết thúc, người nghệ sỹ cúi chào khán giả và cả gian phòng bùng nổ tiếng vỗ tay, lời khen ngợi và tán thưởng. Nữ doanh nhân tiến lại gần người nghệ sỹ, cao giọng chê bai: “Anh chơi đàn cũng khá hay, tuy nhiên cách ăn mặc của anh chả có thẩm mỹ gì cả”. Người nghệ sỹ và tất cả mọi người khách đều sững người. Người chơi đàn rất lịch sự đáp lời: “Cảm ơn bà đã khen, vậy bà có thể cho tôi biết, bộ trang phục của tôi có vấn đề gì không ạ?”.

 “Cái nơ trên cổ anh, sao lại để hai cái dải dài lòng thòng thế kia, trông quá mất thẩm mỹ”, nữ doanh nhân nói. Người nghệ sỹ mỉm cười nhã nhặn: “À, vậy bà có cái kéo ở đây không thì nhờ bà cắt nó ngắn cho đúng thẩm mỹ giúp tôi?”. Nữ doanh nhân rút ngay chiếc kéo nhỏ trong chiếc ví cầm tay ra, vẻ mặt đắc thắng, tiến lại cắt xoẹt cái dải nơ trên cổ áo người nghệ sỹ, rồi cười lớn: “Đấy, giờ nhìn nó rất có thẩm mỹ”.

 Người nghệ sỹ gật đầu bảo: “Cảm ơn bà đã sửa, tiện thể bà cho tôi mượn chiếc kéo được không, tôi thấy có một thứ trên người bà cũng không có thẩm mỹ cho lắm, tôi nghĩ nó cũng hơi dài, cần cắt ngắn bớt đi mới được”.

 Nữ doanh nhân trợn mắt: “Mọi thứ trên người tôi là hoàn hảo, có cái gì quá dài?”. Người nghệ sỹ trả lời: “Đó chính là cái lưỡi của bà đấy”. Tất cả khán phòng cười ồ lên, còn nữ doanh nhân xấu hổ lảng đi mất.

Nguồn: Internet

 

Đọc xong câu chuyện trên, ai cũng lên án nữ doanh nhân: Luôn tôn cao bản thân và dựa vào sự sang trong giàu có để chê bai người này và soi mói người khác một cách quá quắt và hợm hĩnh.

Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng thấy không ít người như thế, Họ học cao hiểu rộng, am hiểu luật pháp. Để rồi kết cấu với nhau hành xử vô đạo đức, nổi bật nhất mà chúng ta thấy vụ kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Việt Á…

 

Trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 7, 1-2. 10. 25-30) trình thuật hôm nay: Đức Giêsu trở lại Galilê vào một dịp Lễ Lều của người Dothái. Ngài đã lên tiếng giảng dạy trong đền thờ. Sự kiện Ngài xuất hiện đã làm cho dân chúng không khỏi ngạc nhiên và bàn tán xôn sao vì đã trở thành cái gai trong mắt những nhà lãnh đạo.

Họ học hỏi Kinh Thánh, giáo lý không phải vì lòng yêu mến và mong muốn được biến đổi cho bằng học để biết rồi sinh ra chê bai, trách móc và tự kiêu… hoặc đôi khi học để rồi tìm cách bách hại lại những người tin Chúa! Những não trạng mù quáng ấy đôi khi lại là lựa chọn của mỗi chúng ta khi chúng ta tách rời hiểu biết ra khỏi cuộc sống.

 

Xin cho chúng con thực sự thuộc về chân lý không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi, trên lý thuyết, nhưng bằng và qua chính cuộc sống. Xin cho đời sống chúng con từ trong tư tưởng, lời nói, hành vi, cử chỉ…, tất cả hòa điệu tự nhiên với chân lý Phúc âm, để chúng con được nên một với sự Thiện chân thật là chính Chúa. Thánh Phaolô qủa quyết: “Tôi sống mà không còn là tôi sống, nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Con ước mong lời ấy trở thành câu tâm niệm sống của con. Xin Chúa giúp con. Amen. (TGM Giuse Nguyễn Năng)



PHÚC ÂM: Ga 7, 1-2. 10. 25-30

“Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.

Có một số người ở Giêrusalem nói: “Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.

Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.

 

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

VUI VÌ KHỎI BỆNH (Thứ Ba tuần 4 mùa Chay)



Thầy Andrew - một nhà truyền giáo Hà Lan, được mệnh danh là “tên buôn lậu của Thiên Chúa”, vì thầy buôn lậu Kinh thánh vào những nước cấm phổ biến Thánh kinh.
Ngày kia, thầy mua được một con khỉ. Không bao lâu, thầy nhận thấy con khỉ rất khó chịu khi chú bị chạm vào phần thắt lưng. Sau khi xem xét thật kỹ, thầy khám phá ra một vết sưng vòng quanh hông chú khỉ. Hoá ra là khi còn bé, chú khỉ đã bị người ta dùng một sợi dây kẽm buộc quanh hông, và cho tới nay sợi dây này vẫn còn nằm trong thân xác chú. Càng lớn lên thì sợi thép đó lặn sâu vào da thịt chú.
Chiều hôm ấy, thầy Andrew cẩn thận tháo sợi dây kẽm đó ra bằng cách: thầy cào sạch vùng lông chung quanh sợi dây, rồi cẩn thận cắt sợi dây và kéo ra khỏi da thịt con vật. Suốt thời gian này, chú khỉ kiên nhẫn nằm yên chịu đau, mắt chú nhắm nghiền lại. Ngay khi sợi kẽm được lấy ra, chú khỉ mừng rỡ nhảy lui nhảy tới rồi ôm chặt vai thầy Andrew. Thế là chú khỉ được tự do thoải mái, không còn bực bội khó chịu như trước nữa. Không thể diễn tả nổi chú khỉ hạnh phúc biết bao.
Nguồn TGP SG

Thật tội nghiệp cho chú khỉ đã bị đau đớn vì sợi kẽm ăn vào da thịt trong nhiều năm. Rất may chú khỉ đã gặp được vị tu sĩ giải cứu
Người bại liệt trong Tin mừng hôm nay cũng vui mừng khi được Đức Giêsu tha tội và chữa khỏi bệnh bại liệt.
“Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh." (Ga 5, 1-3a. 5-16).
Đức Giêsu đã nhìn thấy, động lòng thương và đã chữa lành anh. Không những Chúa chữa bệnh nơi thân xác mà Ngài giúp anh bước đi trong an vui trong ngày sabat - ngày của niềm vui.



PHÚC ÂM: Ga 5, 1-3a. 5-16

“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó.

Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh.

Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

TIN THÌ SẼ ĐƯỢC ( Thứ Hai tuần 4 mùa chay)


 


Kính gởi: Cha Quản Nhiệm Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang và cộng đoàn dân Chúa.
Trọng Kính Cha, Con là Nguyễn Văn Triều, 33 tuổi, hiện ở giáo xứ Ngọc Lâm, Huyện Xuân Lộc, Tỉnh Đồng Nai. Phép lạ Mẹ La Vang đã được thực hiện trên con. Trước đây con làm nghề khai khẩn rừng và trồng hoa màu dọc các sườn đồi thuộc Xuân Lộc, Đồng Nai. Sau một lần đi làm về , con cảm thấy nhức đầu choáng váng xây xẩm, sau đó con không biết gì nữa. Người nhà về sau kể lại là từ đó con như mất trí, suốt ngày cứ nói năng lảm nhảm và quậy phá.
Gia đình con đã hết sức chạy chữa rất nhiều nơi, thuốc tây, thuốc ta, những nơi chữa nhân điện hoặc ngoại khoa, nhưng vẫn không chút thuyên giảm. Trái lại, bệnh càng ngày càng nặng thêm. Cha mẹ, vợ con, anh chị em hết lòng chạy chữa, nhưng hoàn toàn thất vọng, bệnh con kéo dài suốt 5 năm. May mắn cho gia đình con, có mấy người ở Phương Lâm có công việc đi qua, nghe hết sự tình, liền khuyên bảo gia đình con ra khấn Mẹ La Vang, vì ở giáo xứ Phương Lâm cũng có một người bị như con mà được Mẹ cứu chữa.

Với lòng tin trỗi dậy, gia đình con vội vàng thu xếp và đưa con ra khấn Mẹ. Vợ con kể lại: khi đến Thánh Địa La Vang, con kêu la ầm ĩ và trốn chạy, người nhà phải đuổi theo bắt lại và dẫn con vào chỗ Đài Mẹ La Vang. Sau khi hết lòng cầu xin và cho con uống nước lấy từ giếng Mẹ, con thét lên và ngất xỉu mê man, nhưng mấy phút sau con bắt đầu tỉnh lại, và thấy trong người nhẹ nhàng chỉ hơi mệt. Cả gia đình hết sức vui mừng cảm tạ Mẹ La Vang đã làm phép lạ để cứu chữa con. Con quá ngỡ ngàng sung sướng nên đã khóc như một em bé, cả gia đình con cùng khóc vì vui mừng quá đỗi.
Hiện nay, con đã được bình thường và làm việc nuôi gia đình mỗi ngày. Tối đến, cả gia đình con cùng nhau đọc kinh lần chuỗi trước tượng Mẹ La Vang tại bàn thờ gia đình để ghi nhớ ơn cao cả Mẹ đã thương ban cho con. Suốt đời gia đình con không bao giờ dám quên phép lạ Mẹ La Vang đã ban cho gia đình chúng con.
Ngọc Lâm ngày 15 .6 .2001
Con: Nguyễn Văn Triều
Với lòng tin mạnh mẽ của gia đình trong câu chuyện trên, đã chạm vào trái tim vẹn toàn của Đức Mẹ để được chữa lành.
Hôm nay, bài Tin Mừng trình thuật một viên sĩ quan cao cấp của triều đình đã lặn lội cả mấy chục kilômét để đến gặp Đức Giêsu và xin Ngài chữa cho con ông được lành bệnh với lòng tin tưởng và phó thác nơi Đức Giêsu.
“Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết” (Ga 4, 43-54)
Từ xa, Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa cho con ông khi tuyên bố: “Con ông sống”. Thấy mọi sự diễn ra đúng thời gian mà Đức Giêsu tuyên bố con ông không chết, viên sĩ quan và cả gia đình ông đã tin vào Đức Giêsu.



PHÚC ÂM: Ga 4, 43-54

“Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilêa. Chính Người đã nói: “Không vị tiên tri nào được kính nể nơi quê hương mình”. Khi Người đến Galilêa, dân chúng ra đón tiếp Người: Họ đã chứng kiến tất cả các việc Người làm ở Giêrusalem trong dịp lễ; vì họ cũng đi dự lễ.

Người trở lại Cana xứ Galilêa, nơi Người đã biến nước thành rượu. Bấy giờ có một quan chức nhà vua ở Capharnaum có người con trai đang đau liệt. Ðược tin Chúa Giêsu đã bỏ Giuđêa đến Galilêa, ông đến tìm Người và xin Người xuống chữa con ông sắp chết. Chúa Giêsu bảo ông: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường, hẳn các ông sẽ không tin”. Viên quan chức trình lại Người: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống trước khi con tôi chết”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông hãy về đi, con ông mạnh rồi”. Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về.

Khi xuống đến sườn đồi thì gặp gia nhân đến đón, báo tin cho ông biết con ông đã mạnh. Ông hỏi giờ con ông được khỏi. Họ thưa: “Hôm qua lúc bảy giờ cậu hết sốt”. Người cha nhận ra là đúng giờ đó Chúa Giêsu bảo ông: “Con ông mạnh rồi”, nên ông và toàn thể gia quyến ông đều tin. Ðó là phép lạ thứ hai Chúa Giêsu đã làm khi Người ở Giuđêa về Galilêa.


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

PHÁN XÉT (Thứ Bảy tuần 3 mùa chay)

 

1.   Có một câu chuyện kể rằng: một ông giáo dân nọ nổi tiếng là đạo đức với những câu chuyện về lòng quảng đại, giúp đỡ của ông cho người nghèo. Ông được nhiều người ca tụng là người tốt lành, thánh thiện, nhất là khiêm tốn khi quảng đại giúp đỡ người cùng khốn mà không cần đến danh vọng…

Chính bản thân ông cũng nghĩ mình như thế! Tuy nhiên, đến lúc về già, ông đến gặp cha xứ và tâm tình với ngài rằng: “Cả cuộc đời con đã hy sinh cho Chúa, Giáo Hội và mọi người, con không hề tính toán thiệt hơn, bởi xác tín rằng: mọi sự con có là bởi Chúa”. Nhưng ngay sau đó, ông xin cha xứ một đặc ân, đó là: khi ông chết, cho ông được chôn trong khuân viên nhà thờ.


2. Còn với thời đại 5.0 hiện nay, mạng xã hội là môi trường kết nối những khoảnh khắc cuộc sống; là không gian mở để mọi người tự do phát biểu, chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình với người khác. Nhờ đó, chúng ta biết được nhiều hơn, học hỏi được nhiều hơn và cảm thông với nhau nhiều hơn.

Mặt khác, nơi đây cũng có thể là một môi trường lan tỏa độc hại, khi người ta khoe khoang của cải, hay làm việc thiện nguyện và tự trao cho mình là người chính nghĩa để phán xét, chỉ trích người khác. Vào mạng xã hội, nhiều khi cảm thấy ngột ngạt trong sự bủa vây của những lời lẽ thiếu khiếm nhã, vô vàn những thứ khác…

 

Trong thực tế cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó rất nhiều người có tư tưởng khiêm tốn như ông lão trong câu chuyện trên. Hoặc thay sự phung phí thời gian để moi bới người ta trên mạng xã hội thì hãy sử dụng tài năng, của cải mình có để làm chuyện có ích. Những hình ảnh trên thật giống với người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay (Lc 18, 9-14) : Một Pharisêu và một thu thuế

-          Người Pharisêu thì bảo thủ, kiêu ngạo, tự coi mình là người thành toàn, nắm toàn bộ lề luật và trở thành kiểu mẫu cho mọi người. Đến đền thờ ông ngẩng đầu lên kể lể: kể lể: “Con không gian tham, không bất công, không ngoại tình, không như người thu thuế đằng sau”; “một tuần ăn chay hai lần và dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”.

-          Người thu thuế tội ác của ông là phản bội và cấu kết với đế quốc La mã để hà hiếp, bóc lột, vơ vét của dân. Khi lên đền thờ đứng đằng xa, không dám ngẩng đầu lên, vừa đấm ngực vừa cầu nguyện rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”.

 Kết cục, hai người ra về và người thu thuế thì được Chúa nhận lời, còn người Pharisêu thì không những không được Chúa nhận lời mà lại còn phạm thêm tội vì coi khinh người khác ngay khi cầu nguyện.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: đừng bao giờ coi khinh người khác khi cầu nguyện. Không được phán xét anh chị em của ta, trong khi mình cũng là kẻ có tội. Cầu nguyện là hướng tâm hồn lên với Chúa chứ không phải quy về mình.



Phúc Âm: Lc 18, 9-14

“Người thu thuế ra về được khỏi tội”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi”. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.


Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

"XIN VÂNG" ( Lễ Truyền Tin 25.03)

 


Với lời xin vâng của Đức Maria “này tôi là tôi tớ Chúa tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”, Thiên Chúa đã có thể thực hiện được kế hoạch cứu độ của Ngài.
Mẹ Maria được tuyển lựa giữa muôn vàn người nữ. Mẹ nói lời "XIN VÂNG", biến nó thành cái phúc cho Mẹ và cho nhân loại, cho từng người. Cái phúc ấy vẫn như một dòng suối linh thiêng đang tuôn chảy trong từng người con của Mẹ. Nhân loại mãi mãi và muôn thuở vẫn nhận được cái phúc từ Mẹ vì từ Mẹ, từ cung lòng Mẹ Ngôi Lời đã mặc xác phàm và ở giữa chúng ta.
“Tin” mà thiên sứ Gáprien “truyền” cho đức trinh nữ Maria chính là chương trình của Thiên Chúa để cứu độ con người. Đức Maria đã cộng tác bằng việc đón nhận “tin” này với niềm vâng phục của đức tin. Mẹ lại tiếp tục “truyền tin” mà Mẹ đã nhận bằng cách ban tặng Đức Giêsu Đấng Cứu Thế cho nhân loại chúng ta, như Mẹ đã nói: “Người bảo gì, anh em cứ làm theo”
Nhưng xã hội hôm nay tràn ngập thông tin: tin lành, tin dữ, tin vui không vui, tin thật, tin giả…. Muốn hay không, chúng ta đều “bị” nghe hoặc “được” nghe”. Để khỏi là nạn nhân của sự bùng nổ thông tin ấy, chúng ta phải:
- Biết sàng lọc thông tin và phân định để nhận ra tin lành đến từ Thiên Chúa.
- Trở thành tác nhân truyền tin lành, Tin Mừng của Ngài đến với tha nhân bằng phương tiện truyền thông hiện đại

https://www.youtube.com/watch?v=j_R1Ek-brDg



PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38

“Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ”. Nghe lời đó, Bà bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm Bà. Vì thế Ðấng Bà sinh ra, sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ Bà cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ họi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt Bà.


Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

ĐỪNG CHỤP MŨ NHAU (Thứ Năm tuần 3 mùa chay)

 



Có một tu sĩ đảm trách công việc mục vụ bệnh nhân Sida. Tuy nhiên, do sơ xuất, ngài đã bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này qua người bệnh trong khi chăm sóc họ. Nhưng thật chớ trêu, thay vì được mọi người nâng nỡ, khích lệ, thì họ lại bàn tán, gán ghép những chuyện không mấy tốt đẹp cho vị tu sĩ nhiệt tình vì sứ vụ này!
Đây cũng chính là căn bệnh truyền kiếp ở mọi thời, đó là, người ta không thích ai, hay ai đó uy tín hơn mình, thì họ sẵn sàng dùng đến biện pháp nói hành, hay chụp mũ để hạ gục đối phương!
Hôm nay, Đức Giêsu cũng rơi vào tình trạng trên khi bị dân chúng chụp cho Ngài thứ mũ hết sức đê hèn như:
Ngài trừ được quỷ là do liên minh với quỷ khi nhân danh tướng quỷ để trừ quỷ!
Đức Giêsu ngày càng uy tín trước mặt dân chúng vì những việc tốt đẹp và lời dạy khôn ngoan của Ngài, khiến dân chúng tôn vinh Ngài là một tiên tri vĩ đại. Vì thế, những Luật Sĩ và Phairisêu bối rối, hoang mang và sinh lòng ghen tuông, tức tối đối với Ngài.
Họ đã dùng đến trò thâm hiểm nhất để bêu rếu và mục đích nhằm hạ gục Đức Giêsu khi nói là Ngài “nhờ tướng quỷ để mà trừ quỷ”.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đặt ngược lại vấn nạn với hai câu hỏi để lật tẩy trò đê hèn của chúng, Ngài hỏi:
“Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”; và: “Nếu tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ?”!
Trong đời sống của chúng ta hôm nay nhiều khi rơi vào tình trạng của những Luật Sĩ và Pharisêu khi sử dụng những chiêu thức bỉ ổi là nói hành, nói xấu để bôi nhọ thanh danh tiếng tốt của anh chị em mình.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết đứng về phía sự thật để trả lại cho anh chị em mình những giá trị đích thực khi họ vì lòng yêu mến Chúa mà thi hành những bổn phận của họ để loan báo tình thương của Thiên Chúa cho mọi người. Đồng thời chúng ta biết cộng tác với nhau để làm cho triều đại của Thiên Chúa mau đến.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con trong Mùa Chay thánh này, luôn biết yêu thương, nâng đỡ nhau để cùng nhau loan truyền và làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái, yêu thương. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP



PHÚC ÂM: Lc 11, 14-23

“Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: “Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ”. Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:

“Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

“Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán”.

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

ƠN TRỞ LẠI (Thứ Tư tuần 3 mùa Chay)

 




Kính thưa Đức Cha, quý Cha, cô bác và anh chị em có mặt trong buổi họp hôm nay.

 Được sự cho phép của Ban tổ chức để con được phát biểu cảm tưởng, cũng như những suy nghĩ riêng tư của bản thân con khi được được ơn trở lại sống theo luật Chúa dạy, đây là niềm vui và danh dự cho con.

 Con là giáo dân thuộc Giáo xứ MT, trước đây gia đình con có đạo. Sau  ngày 30.04.1975, con tham gia cách mạng. Kể từ đó vợ chồng dần xa Chúa, không đến nhà thờ kể cả Chúa Nhật.

 Quá trình làm việc cho địa phương con giữ nhiều chức vụ từ làm lính cho đến chức Ủy viên Bí thư Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân Huyện.

 Được gia nhập vào hàng ngũ của Đảng, quá trình đó được lịch sử xã MT ghi nhận.Cho đến nay con tham gia cách mạng được 40 năm, 35 năm tuổi Đảng.

 Theo sự mời gọi của cha xứ và anh chị em trong Giáo xứ và xét thấy bản thân phải trở lại với Chúa để bù đắp lại thời gian con xa Chúa. Vợ chồng chúng con đã quyết tâm trở lại với Ngài. Chúng con đã tham dự thánh lễ, thực hiện luật Chúa truyền trong đời sống.

 Anh chị em cũng biết, nếu con trở lại với Chúa về mặt đảng viên con sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đúng vậy, tổ chức Đảng nói với con: “anh là đảng viên mà đi nhà thờ là vi phạm chỉ thị của Đảng, đề nghị anh phải dừng lại ngay, nếu không sẽ kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng”.

 Con đã khẳng định và trả lời với tổ chức: tôi quyết trở lại với Chúa và chấp nhận mọi hình thức kỷ luật là khai trừ ra khỏi Đảng chứ tôi không bao giờ bỏ Chúa lần thứ hai trong cuộc đời còn lại của tôi.

 Từ khi con trở lại với Chúa, con khẳng định một điều là mình có niềm tin ở Chúa, sống Lời Chúa dạy và thực hiện luật của Chúa truyền thì Chúa sẽ đến đem lại bình an với mình... mình xin hay cầu nguyện với Chúa điều gì hợp lý thì Chúa sẽ ban cho.

Nguồn: Trích từ những câu chuyện chứng nhân Đức tin Gp. Mỹ Tho

 

Trong cuộc sống hiện nay, cũng nhiều người còn vương vấn chưa dám dứt bỏ như trường hợp gia đình trong câu chuyện trên. Cũng chỉ vì còn ham mê danh vọng, sỹ diện, tiền tài… Nếu trở về mất tất cả rồi buộc phải tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng trong khuôn khổ của lề luật thì thật khó chịu.

 Lời Chúa theo thánh Matthêu hôm nay:

“Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.” (Mt 5, 17-19)

Chính Đức Giêsu đã giữ luật cách yêu mến và trung thành. Chỉ khi nào luật không làm cho con người ta tốt hơn, mà ngược lại, nó đè bẹp con người, thì lúc đó Ngài lên tiếng chống đối.

 Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta rằng: hãy biết giữ luật trong lòng mến. Trung thành yêu mến luật vì nơi đó Thiên Chúa tỏ bày thánh ý của Ngài

 



PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19

“Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.


Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

SƯ HUYNH HỖN XƯỢC (Thứ Hai tuần 3 mùa chay)

 


Ở Canađa, trong tỉnh Québec, một sư huynh dòng Thiện giáo (Frères de l’Enseignement Chrétien) giáo viên trường trung học Alma, vừa xuất bản một cuốn sách bàn về đường lối giáo dục, nhan đề “Những sự hỗn xược của một sư huynh” (Les Insolences du Frère Un Tel). Tác giả đã khéo áp dụng một lối văn châm biếm, trào phúng nhí nhảnh, làm cho quyển sách được đệ nhất ăn khách trong năm. Chỉ trong vòng một tháng trời thôi, sách đã bán ra được một số kỷ lục là 30.000 cuốn.

 Một hôm trường đại học Công giáo Montréal bỗng nhộn nhịp hẳn lên như đàn ong vỡ tổ: Sư huynh Pierre Jérome, tác giả cuốn sách “Những sự hỗn xược” nói trên, sắp đến viếng trường. Toàn thể nhà trường náo động lên. Từ viện trưởng, các giáo sư, các sinh viên, cho đến anh gác cổng, đều hăng say phấn khởi tổ chức cuộc tiếp rước.

 Vị thượng khách đã từ từ tiến vào khung cảnh văn vật của trường đại học, giữa một cuộc khải hoàn trọng thể vĩ đại. Sau đó, sư huynh đã lộng lẫy ung dung bước lên diễn đàn ngỏ lời cùng 650 giáo sư và sinh viên.

 Diễn giả đã thao thao bất tuyệt một thôi, lả lướt như rồng bay phượng múa, như hoa nở suối reo. Những tràng pháo tay nổ vang lên liên tiếp, liên tiếp sau những lời nói hoa mỹ của vị khách, chứng tỏ các thính giả được kích thích đến tột độ.

 Cả trường đại học Montréal hôm đó như rượu nếp lên men. Trong lịch sử trường đã bao giờ có sự phấn khởi nô nức như lần này chưa ? Tác giả “Những sự hỗn xược” sao mà huy hoàng trác tuyệt đến thế?

 ... Nhưng sáng ngày hôm sau, họ đã phải một phen hú vía, tưởng chừng hồn lìa khỏi xác. Có người đến tiết lộ rằng: sư huynh Pierre Jérome hôm qua chỉ là một sư huynh... thứ giả! Chàng là một sinh viên quèn của khoa Kịch nghệ trong trường, cải trang trong bộ áo dòng và cổ trắng của các sư huynh... để thực tập.

 Cả trường uất lên trong sự bực tức, ai nấy đều hừng hực sát khí trước “sự hỗn xược của một sư huynh” chưa từng thấy này.

 Thế mới hay sức ám thị của những người có tên tuổi mãnh liệt đến chừng nào, mặc dầu đó chỉ là thực tập nhưng vị sư huynh giả này cũng ăn nói giõng dạc hoa mỹ và là người có kiến thức

 (Vũ Minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 337-339).

 

 Trong Tin Mừng  thánh Luca trình thuật hôm nay, thời Đức Giêsu, họ không thể chấp nhận một con người bình dân học vụ như thế mà lại là Đấng Cứu Thế! Dưới mắt họ, Ngài chỉ là con của ông thợ mộc Giuse và bà Maria, bản thân Ngài không hơn không kém một thanh niên như mọi thanh niên khác trong làng. Dân làng đã không đón nhận Ngài, ngược lại, họ tìm cách để hãm hại Ngài. Vì thế, Đức Giêsu đã nói một câu bất hủ mang tính tiên tri:

 “Không tiên tri nào được sùng mộ nơi quê hương”. (Lc 4, 24-30)

 Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta biết tôn trọng anh chị em mình trong sự thật, đừng vì ghen ghét, hiềm khích hay sợ người anh em nổi trội hơn mình mà ra tay làm hại hay nói năng những lời nguy hại đến thanh danh tiếng tốt của họ! Làm như thế, ấy là chúng ta đang đi vào vết xe đổ của những người đồng hương với Đức Giêsu, như thế chúng ta sẽ mất ơn cứu độ vì không thuộc về Thiên Chúa. Hãy biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình để cần đến ơn cứu độ.  


Phúc Âm: Lc 4, 24-30

Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.


(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội đường rằng): “Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria”.

Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.


Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

CHÚA HỨA (Thứ Năm tuần 2 mùa chay)

 





Câu chuyện kể rằng:

Chúa đã hứa với một người đàn bà là Ngài sẽ đến thăm bà vào ngày đó. Bà rất hãnh diện về điều này. Bà cọ rửa, lau chùi, đánh bóng, quét bụi và xếp đặt mọi thứ sẵn sàng. Bà ngồi và đợi Chúa đến.

 Đột nhiên có tiếng gõ cửa. Bà vội chạy ra. Vừa đẩy cửa, bà thấy một người ăn xin đứng đó. Bà liền nói: “Không, hôm nay tôi không giúp anh, vì Chúa luôn ở với anh rồi. Tôi đang nóng lòng đợi Chúa đến, không thể giúp anh điều gì”. Bà đuổi anh và đóng cửa lại.

 Mấy phút sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở cửa nhanh hơn trước. Thấy gì ? Vài người già nghèo nàn. “Rất tiếc, tôi đang đợi Chúa đến. Hôm nay tôi không thể giúp đỡ các ông”. Rồi bà đóng sầm cửa lại.

 Một lát sau lại có tiếng gõ cửa. Bà mở và lại thấy một người ăn xin rách rưới. Anh xin ăn và nghỉ qua đêm. ”Ồ, hãy để tôi yên. Tôi đang đợi Chúa đến. Tôi không thể tiếp anh”. Người ăn xin ra đi và bà tiếp tục ngồi chờ.


Hàng giờ trôi qua và màn đêm buông xuống, nhưng cũng chẳng thấy dấu hiệu gì của Chúa. Bà băn khoăn không biết Ngài ở đâu.

 Cuối cùng, bà đành lên giường nằm chờ. Bà ngủ quên và mơ thấy Chúa đến với bà và nói: ”Hôm nay Ta đã đến với con 3 lần và cả 3 lần con đều đuổi Ta”.

(Góp nhặt).

 

Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy người đàn bà chỉ biết Chúa mà quên đi những người khốn khổ cần sự giúp đỡ của mình. Chúng ta cần có trách nhiệm liên đới với nhau, nhất là với người nghèo, người cô thế, cô thân, không nơi nương tựa. Hiện nay nhiều bạn trẻ có lối sống chủ trương: “Mackeno”, sống vô cảm với mọi người.

Tin Mừng thánh Luca hôm nay. Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn cảnh báo cho chúng ta: người phú hộ và Lazarô nghèo khó. Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho chúng ta biết số phận con người sẽ được hạnh phúc viên mãn hay bị luận phạt muôn đời tùy theo họ biết yêu thương tha nhân hay không.

Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai, không phạm gì đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hoả ngục? Tội ông ở chỗ nào? Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ có tội “hững hờ, dửng dưng” trước đau khổ của người khác. Ông không phạm tội một cách tích cực mà phạm tội một cách tiêu cực, đó là “tội thiếu sót”

“Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ.” (Lc 16, 19-31)

 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết yêu thương những người nghèo khổ hơn chúng con bằng tình yêu vô vị lợi như Chúa. Xin cho chúng con đừng bao giờ để cho tư tưởng phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị ngự trị trong tâm hồn chúng con. Amen.

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP



PHÚC ÂM: Lc 16, 19-31

“Con đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng những người biệt phái rằng: “Có một nhà phú hộ kia vận toàn gấm vóc, lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người hành khất tên là Ladarô, nằm bên cổng nhà ông đó, mình đầy ghẻ chốc, ước được những mụn bánh từ bàn ăn rớt xuống để ăn cho đỡ đói, nhưng không ai thèm cho. Những con chó đến liếm ghẻ chốc của người ấy. Nhưng xảy ra là người hành khất đó chết và được các thiên thần đem lên nơi lòng Abraham. Còn nhà phú hộ kia cũng chết và được đem chôn. Trong hoả ngục, phải chịu cực hình, nhà phú hộ ngước mắt lên thì thấy đằng xa có Abraham và Ladarô trong lòng Ngài, liền cất tiếng kêu la rằng:

“Lạy Cha Abraham, xin thương xót tôi và sai Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải quằn quại trong ngọn lửa này. Abraham nói lại: “Hỡi con, suốt đời con, con được toàn sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ. Vậy bây giờ Ladarô được an ủi ở chốn này, còn con thì chịu khốn khổ. Vả chăng, giữa các ngươi và chúng tôi đây đã có sẵn một vực thẳm, khiến những kẻ muốn tự đây qua đó, không thể qua được, cũng như không thể từ đó qua đây được”.

Người đó lại nói: “Ðã vậy, tôi nài xin cha sai Ladarô đến nhà cha tôi, vì tôi còn năm người anh em nữa, để ông bảo họ, kẻo họ cũng phải sa vào chốn cực hình này”. Abraham đáp rằng: “Chúng đã có Môsê và các tiên tri, chúng hãy nghe các Ngài”. Người đó thưa: “Không đâu, lạy Cha Abraham! Nhưng nếu có ai trong kẻ chết về với họ, thì ắt họ sẽ hối cải”. Nhưng Abraham bảo người ấy: “Nếu chúng không chịu nghe Môsê và các tiên tri, thì cho dù kẻ chết sống lại đi nữa, chúng cũng chẳng chịu nghe đâu”.