Trong buổi dạ hội, ai cũng khen bà ta, nào là có bộ váy rất
đẹp, rất hợp với dáng vóc, trang sức đẹp, mái tóc rất hợp thời trang… Nữ doanh
nhân được thể vênh váo, tự phụ, bà ta lên giọng thuyết giảng cho mọi người về
gu thẩm mỹ, về khiếu thời trang, phải thế này mới đúng, thế kia là sai. Mọi người
vì lịch sự nên dù khó chịu vẫn tươi cười đứng nghe nhưng rồi được thể bà ta bắt
đầu chê bai cái áo của người này xấu, cái màu túi của người kia không hợp...
khiến cho một số người cảm thấy mất mặt. Đúng lúc đó, người biểu diễn dương cầm đến, tất cả mọi người
đều hướng về người nghệ sỹ cùng cây đàn và vỗ tay hưởng ứng nhiệt liệt. Người
nghệ sỹ chơi đàn say sưa, những bản nhạc được vang lên khắp khán phòng, ai cũng
như đắm mình vào không gian âm nhạc. Duy chỉ có nữ doanh nhân kia là mặt mày
khó đăm đăm cứ đứng nhìn người nghệ sỹ chơi đàn tỏ vẻ khó chịu.
Khi những bản nhạc kết thúc, người nghệ sỹ cúi chào khán
giả và cả gian phòng bùng nổ tiếng vỗ tay, lời khen ngợi và tán thưởng. Nữ
doanh nhân tiến lại gần người nghệ sỹ, cao giọng chê bai: “Anh chơi đàn cũng
khá hay, tuy nhiên cách ăn mặc của anh chả có thẩm mỹ gì cả”. Người nghệ sỹ và
tất cả mọi người khách đều sững người. Người chơi đàn rất lịch sự đáp lời: “Cảm
ơn bà đã khen, vậy bà có thể cho tôi biết, bộ trang phục của tôi có vấn đề gì
không ạ?”.
“Cái nơ trên cổ anh, sao lại để hai cái dải dài lòng thòng
thế kia, trông quá mất thẩm mỹ”, nữ doanh nhân nói. Người nghệ sỹ mỉm cười nhã
nhặn: “À, vậy bà có cái kéo ở đây không thì nhờ bà cắt nó ngắn cho đúng thẩm mỹ
giúp tôi?”. Nữ doanh nhân rút ngay chiếc kéo nhỏ trong chiếc ví cầm tay ra, vẻ
mặt đắc thắng, tiến lại cắt xoẹt cái dải nơ trên cổ áo người nghệ sỹ, rồi cười
lớn: “Đấy, giờ nhìn nó rất có thẩm mỹ”.
Người nghệ sỹ gật đầu bảo: “Cảm ơn bà đã sửa, tiện thể bà
cho tôi mượn chiếc kéo được không, tôi thấy có một thứ trên người bà cũng không
có thẩm mỹ cho lắm, tôi nghĩ nó cũng hơi dài, cần cắt ngắn bớt đi mới được”.
Nữ doanh nhân trợn mắt: “Mọi thứ trên người tôi là hoàn hảo,
có cái gì quá dài?”. Người nghệ sỹ trả lời: “Đó chính là cái lưỡi của bà đấy”.
Tất cả khán phòng cười ồ lên, còn nữ doanh nhân xấu hổ lảng đi mất.
Nguồn: Internet
Đọc xong câu chuyện trên, ai cũng lên án nữ doanh nhân: Luôn
tôn cao bản thân và dựa vào sự sang trong giàu có để chê bai người này và soi
mói người khác một cách quá quắt và hợm hĩnh.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta cũng thấy không ít người
như thế, Họ học cao hiểu rộng, am hiểu luật pháp. Để rồi kết cấu với nhau hành
xử vô đạo đức, nổi bật nhất mà chúng ta thấy vụ kit xét nghiệm COVID-19 tại
Công ty Việt Á…
Trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 7, 1-2. 10. 25-30) trình
thuật hôm nay: Đức Giêsu trở lại Galilê vào một dịp Lễ Lều của người Dothái.
Ngài đã lên tiếng giảng dạy trong đền thờ. Sự kiện Ngài xuất
hiện đã làm cho dân chúng không khỏi ngạc nhiên và bàn tán xôn sao vì đã trở
thành cái gai trong mắt những nhà lãnh đạo.
Họ học hỏi Kinh Thánh, giáo lý không phải vì lòng yêu mến
và mong muốn được biến đổi cho bằng học để biết rồi sinh ra chê bai, trách móc
và tự kiêu… hoặc đôi khi học để rồi tìm cách bách hại lại những người tin Chúa!
Những não trạng mù quáng ấy đôi khi lại là lựa chọn của mỗi chúng ta khi chúng
ta tách rời hiểu biết ra khỏi cuộc sống.
Xin cho chúng con thực sự thuộc về chân lý không phải chỉ
trên đầu môi chót lưỡi, trên lý thuyết, nhưng bằng và qua chính cuộc sống. Xin
cho đời sống chúng con từ trong tư tưởng, lời nói, hành vi, cử chỉ…, tất cả hòa
điệu tự nhiên với chân lý Phúc âm, để chúng con được nên một với sự Thiện chân
thật là chính Chúa. Thánh Phaolô qủa quyết: “Tôi sống mà không còn là tôi sống,
nhưng là chính Đức Kitô sống trong tôi”. Con ước mong lời ấy trở thành câu tâm
niệm sống của con. Xin Chúa giúp con. Amen. (TGM Giuse Nguyễn Năng)
PHÚC ÂM: Ga 7, 1-2. 10. 25-30
“Chúng tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
Có một số người ở Giêrusalem nói: “Ðây không phải là người họ đang tìm giết sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi đâu”.
Vậy lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng: “Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến, nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Bởi thế họ tìm cách bắt Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.